Tuyệt chiêu gói bánh Tét 3 Màu Đặc Sản Trà Cuôn - Trà Vinh

 866   

Bánh tét Trà Cuôn tuy lạ mà quen ăn một lần là nhớ mãi với hương vị riêng biệt đậm đà tình nghĩa người Trà Vinh 

Đặc sản vào dịp Tết ở miền Tây đó là bánh tét bánh được gói bằng lá chuối và buộc định hình bằng dây lát. Khác với hai miền Bắc Trung thì bánh chưng được xem là đặc sản. 

Giới thiệu về bánh tét 3 màu 


Bánh tét có rất nhiều loại được biến tấu mang đến sự khác biệt cho người ăn như bánh tét nhân đậu, bánh tét đậu xanh thịt, bánh tét nhân chuối, bánh tét lá cẩm, bánh tét nước tro và đặc biệt món bánh tét được làm bán quanh năm là bánh tét 3 màu bánh tét trà cuôn của người dân Trà Vinh. 

Bánh tét 3 màu thường được bán dọc dài theo tuyến quốc lộ 53 hướng về Trà Vinh. Bánh tét Trà Cuôn thường được bán nhiều tại các quán nước, trạm dừng chân nghỉ ngơi. 

Từ Trà Cuôn trong bánh tét Trà Cuôn vốn xuất phát từ âm ngữ tiếng Khmer (tại Trà Vinh chủ yếu là đồng bào người Khmer sinh sống). Theo lưu truyền của người dân tại Trà Vinh, món bánh tét này bắt nguồn từ một người Khmer đó là bà Thạch Thị Lết sống ở huyện Cầu Ngang, bà gói bánh để bán mưu sinh. Và đến nay, món bánh tét này đã có tuổi đời hơn 80 năm, trở thành một phần đặc sản miền Tây được người dân và du khách khắp nơi khi ghé đến  yêu thích.  

Hương vị là đặc trưng khó tả của bánh tét 3 màu - bánh tét Trà Cuôn

Nếu có dịp ghé thăm Trà Vinh, nhất định bạn phải ít nhất một lần thưởng thức món bánh tét 3 màu - bánh tét Trà Cuôn để cảm nhận rõ hương vị đặc trưng của món bánh tạo nên đặc sản miền Trà Vinh. Sự khác biệt của bánh tét trà cuôn nằm ở công đoạn chọn lọc nguyên liệu để làm ra món bánh, giai đoạn sơ chế, gói bánh và đem luộc bánh với thời gian nhất định. Để có đòn bánh tét ngon, người thợ làm bánh đã sử dụng nếp sáp, cùng với thịt ba rọi ướp thơm và đậu xanh, trứng muối. 


Tùy những thợ làm bánh chế biến mà phần nếp sáp có đa dạng màu khác  nhau nhưng chủ yếu ta sẽ được thấy đòn bánh tét 3 màu được tạo nên từ các màu nước cốt trái gấc để có màu cam, lá cẩm để có được màu tím hay thêm lá cây bồ ngót để có được màu xanh bắt mắt. Chính từ các nguyên liệu tự nhiên đã góp phần giúp món bánh tét có màu sắc đẹp hơn lạ hơn và mùi thơm khó cưỡng hơn. 

Hình dạng bên trong của bánh tét Trà Cuôn

Khi cắt bánh tét Trà Cuôn, bạn chắc chắn sẽ bị mê hoặc trước những lớp nếp nhiều màu, bao bọc bởi lớp nhân đậu xanh mịn vàng ươm, bên trong nữa là lớp thịt mỡ cùng với trứng muối đỏ đỏ và cả tôm khô. Khi đưa khoanh bánh lên miệng và dùng thử một miếng, bạn sẽ cảm nhận rõ vị dẻo mềm của nếp hòa quyện cùng với vị bùi bùi  của đậu xanh theo sau là vị béo ngậy của lớp thịt mỡ vị mặn mặn của tôm khô trứng muối tạo nên một vị ngon khó tưởng quyến rũ bạn muốn ăn thêm nữa.

Để có được một đòn bánh tét ngon thì bắt buộc phải đòi hỏi người thợ làm bánh phải làm hết sức cần mẩn và tỉ mỉ trong từng giai đoạn từng quá trình từ chọn nguyên liệu, gói và nấu bánh. Quy trình làm bánh tét Trà Cuôn như một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ tay những người nghệ nhân thực thụ. Không chỉ giai đoạn chọn nguyên liệu là quan trọng mà quan trọng nhất là giai đoạn tạo hình cho bánh, bánh phải được gói vừa phải dây cột chắc nhưng không quá chặt đòi hỏi người thợ phải chính xác từng mối buộc dây.   

Công thức làm bánh tét Trà Cuôn chuẩn vị 

Nếp sáp khi dùng làm bánh là loại nếp sáp ngon nhất dẻo để làm bánh tét này. Đậu xanh dùng làm nhân bánh phải là loại đậu hạt to, tròn đều và được đem đi  đãi sạch lớp vỏ, đem nấu chín, quếch mịn đậu. Lá chuối dùng gói bánh tét cũng phải là loại lá chuối tươi, không rách khổ lá phải rộng được đem đi phơi nắng cho lá héo đi một chút. 

Ngoài công đoạn chế biến nếp và đậu xanh thì thịt mỡ heo ( ba rọi ) cũng là nguyên liệu tạo nên độ béo sự hấp dẫn cho đòn bánh tét Trà Cuôn. Miếng ba rọi phải được cắt thành miếng dài, có góc cạnh vuông vức và được tẩm ướp thêm các gia vị muối, đường, tiêu…. sau đó sẽ là trứng muối, tôm khô để món bánh tét được bắt mắt.

Sau công đoạn chuẩn bị những nguyên liệu thì giai đoạn tạo ra một đòn bánh ngon sẽ là giai đoạn quan trọng nhất bánh gói phải chắc tay không lỏng lẻo tránh khi nước thấm vào sẽ làm đòn bánh mau hư không để lâu được, những đòn bánh tét sau khi gói được cho vào nồi to, được nấu trên bếp củi lớn với lửa lớn trong tầm 8 – 10 tiếng (tùy bánh nhiều hay ít ) để bánh được chín đều,  thơm ngon riêng biệt . Một đòn bánh tét gói ngon, chất lượng sẽ có thể bảo quản trong từ 5 đến 7 ngày tùy vào điều kiện thông thường và lâu hơn khi được hút chân không. 

Một số món ăn kèm với bánh tét 3 màu - bánh tét Trà Cuôn 

Bánh tét Trà Cuôn có thể ăn kèm với thịt kho hột vịt ngày tết đảm bảo bạn sẽ tăng cân khi dùng nhiều combo này bởi vị đậm đà, béo ngậy sẽ vương vấn mãi. 

Bánh tét kẹp củ kiệu là một món ăn rất ngon vừa bắt vị, không làm tăng cân. Ngoài ra bánh tét còn có thể ăn cùng dưa muối chua để tăng thêm cảm giác không ngán rất ngon miệng. 

Vì sự nổi tiếng về vị ngon của bánh mà ngày nay bánh tét 3 màu đặc sản của người Trà Vinh đã được người dân nơi đây làm và bán quanh năm nhưng lượng tiêu thụ nhiều nhất vẫn là vào dịp Tết. Nếu có dịp đến Trà Vinh bạn nên thử loại bánh tét 3 màu lạ mắt và các loại bánh tét miền tây khác cùng WOW nhé. 

Tin liên quan