Bật mí cách chọn chồi ghép sầu riêng đầy kinh nghiệm của người trong nghề

 4835   

Phương pháp được ưa chuộng nhất khi nhân giống sầu riêng là nhân giống vô tính, trong đó phổ biến nhất là ghép và chiết. Tuy nhiên chiết không đem lại hiệu quả cao như ghép, nên ghép mắt chính là phương pháp được sử dụng nhiều nhất khi nhân giống sầu riêng tại Việt Nam. Do đó cách chọn chồi ghép sầu riêng đúng cách cũng cần được đặc biệt lưu ý.

Ghép sầu riêng là gì?

Ghép sầu riêng nghĩa là lấy mắt từ cây sầu riêng thuần chủng, có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó ta sẽ ghép chúng lên gốc của những cây sầu riêng được ươm từ hạt vì loại cây sầu riêng này có sự phát triển không ổn định, thường cho ra quả thiếu chất lượng. Nếu việc ghép thành công, chúng ta sẽ tạo nên một cây sầu riêng con thừa hưởng được những đặc tính tốt của cây mẹ.

Rõ ràng là, nắm được cách chọn chồi ghép sầu riêng là điều rất quan trọng nếu bạn muốn cây sầu riêng con có thể phát triển tốt và cho ra quả chất lượng. Ngược lại, nếu chồi ghép không được lựa chọn một cách tối ưu hoặc có nguồn gốc từ những cây kém chất lượng, khả năng phát triển của cây sầu riêng con là rất thấp, hay thậm chí thất bại và không phát triển được.

Cách chọn chồi ghép sầu riêng chi tiết.

Ghép mắt sầu riêng là cách phổ biến nhất để nhân giống loại trái cây thơm ngon này với mục đích gia tăng năng suất, tăng cường tính ổn định, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng trước tiên, chúng ta cần phải nắm được cách chọn chồi ghép sầu riêng tốt với 3 bước sau đây:

Bước 1:

Tìm cho mình một cây sầu riêng trưởng thành có giống tốt và chúng ta sẽ lấy chồi ghép từ trên cây này, không phải từ những cây sầu riêng kém chất lượng.


Bước 2:

Chọn chồi ghép sầu riêng ở vị trí thuận lợi trên cây. Thường mọi người sẽ không lấy chồi ghép nằm bên ngoài cây, tức là ở vị trí phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày. Thay vào đó, bạn hãy tìm chồi ghép ở những vị trí đã thu hoạch quả và nằm bên trong thân cây, hay nói cách khác là những chỗ khuất ánh nắng.


 Bước 3:

Khi bạn đã chọn được cành thích hợp với các tiêu chí nói trên, bạn nên lấy kéo để cắt lấy cành, không nên dùng tay vặt vì sẽ làm cành không được đẹp. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một lưu ý là chồi ghép nên được lấy ở những cây đã được cách ly phân bón từ 20 ngày trở lên, hoặc chưa từng bón phân thì càng tốt. Còn nếu lấy chồi ghép ở những cây vẫn còn chịu sự tác động của phân bón (dưới 20 ngày) thì khi ghép sẽ không có tỷ lệ thành công cao, dễ thất bại dù cho người thực hiện ghép sở hữu kỹ thuật tốt.


Cách ghép mắt sầu riêng.

Sau khi nắm được cách chọn chồi ghép sầu riêng phù hợp cho việc nhân giống, chúng ta sẽ đến với bước tiến hành ghép. Đây là giai đoạn phải làm đúng theo quy trình một cách tỉ mỉ để tăng khả năng nhân giống thành công và phát triển tốt.

Hãy chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật liệu ghép dưới đây:

Dao ghép chuyên dụng.
Băng keo ghép cây.
Chuẩn bị mắt ghép dựa vào các bước nói trên.


Rạch gốc ghép.

Nếu gốc ghép có nhiều nhánh, hãy tỉa bớt và chừa lại 1 nhánh khỏe mạnh nhất.

Tại vị trí gốc ghép phía trên phần phình cách mặt đất khoảng 15 – 20 cm, dùng dao chuyên dụng rạch trên vỏ cây gồm: 2 đường song song, 1 đường nằm ngang theo hình chữ U (cao 3,2cm; rộng 1,2cm). Tiếp theo, dùng mũi dao tách phần vỏ ra khỏi lõi nhưng vẫn còn dính ở phần phía trên.

Sau đó, rạch thêm 1 đường và chia phần vỏ này làm thành 2 phần có tỷ lệ 7 – 3. Cuối cùng dùng dao khoét thành một lỗ, tuyệt đối không để bị cấn dập

Lấy mắt ghép. 

Dùng dao lấy mắt ghép từ cành đã chọn từ trước.

Khoét xung quanh mắt theo hình chữ nhật, chiều dài khoảng 2cm, chiều rộng khoảng 1cm.

Lưu ý, không làm mắt tháp bị bể da, không sờ vào mặt trong của mắt tháp vì sẽ dẫn tới lúc ghép không dính.

Ghép mắt.

Sau khi xong 2 bước trên, ta đặt mắt ghép vào cửa sổ ghép đúng theo chiều hướng mọc của cây.

Tiếp đó đậy nắp cửa sổ ghép lại, sao cho mầm ghép nhú ra khỏi lỗ khoét.

Đậy kín miệng tháp bằng cách dùng một đoạn lá dừa dài vừa đủ (khoảng 5 cm, rộng 2 cm) có khoét 1 lỗ ở giữa. 


Cố định mắt ghép.

Đây là bước cuối cùng của công đoạn ghép mắt cho cây sầu riêng. Một tay bạn giữ vết ghép, một tay dùng cây dây cao su hoặc nilon chuyên dụng (khoảng 7 – 10 mm) quấn chặt chỗ ghép lại theo hình mái ngói khoảng trên 6 - 8 vòng nhằm tránh nước và không khí từ ngoài môi trường. Để chắc chắn hơn, các bạn cũng có thể chùm thêm 1 bao nilon vào mối ghép.


Kiểm tra.

Hãy kiểm tra lại mắt ghép sau 10 ngày kể từ khi hoàn thành, mở dây ra nếu mắt ghép còn xanh nghĩa là đã thành công, sau đó tiếp tục buộc lại thêm khoảng 10 – 15 ngày thì bỏ hẳn dây buộc ra. Nên cắt bỏ ngọn của gốc ghép để giúp mắt ghép phát triển. Ta có thể đem đi trồng khi nó được khoảng 4 - 6 tháng tuổi. 

Một số lưu ý khác

Nên ghép sầu riêng vào thời điểm tháng 6 đến tháng 9 9 vì đó là đầu mùa mưa, vào thời gian này không khí sẽ có độ ẩm thích hợp.

Quan sát và chú ý tới cây ghép để phòng ngừa cũng như trị sâu bệnh phá hoại.

Trên đây là hướng dẫn cách chọn chồi ghép sầu riêng chi tiết nhất dựa trên kinh nghiệm lâu năm của những người trong nghề. Chúc các bạn sẽ nhân giống thành công những cây sầu riêng chất lượng!

Tin liên quan